Tin mới
1
Nghề làm đẹp cho người chết
Một ngày bình thường của Lưu Tam Tam là thức dậy lúc 5h sáng và đến nơi làm việc tại nhà tang lễ Tiêu Sơn ở Hàng Châu lúc 6h
Ảnh

sunwin | sunwin

Nghề làm đẹp cho người chết

Một ngày bình thường của Lưu Tam Tam là thức dậy lúc 5h sáng và đến nơi làm việc tại nhà tang lễ Tiêu Sơn ở Hàng Châu lúc 6h

Nỗi sợ gặp thiếu niên đi xe máy ẩu

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2024-03-29 05:03

Bất ngờ bị chiếc xe từ trong ngõ lao ra đâm ngang, Tuyết Hạnh ngã xuống đường, cơ thể bầm dập, rạn xương.

Thấy cô ngã, một chân bị xe máy đè trúng, một nam sinh mặc đồng phục - người ngồi trên xe, không đội mũ bảo hiểm liền bỏ chạy.

Cô gái 28 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, được đưa vào trạm y tế kiểm tra bởi cơ thể nhiều vết xước, chân không thể cử động. "Tôi bị khuất tầm nhìn, người gây tai nạn cũng không bấm còi hay quan sát khi đi trong ngõ ra với vận tốc lớn nên không kịp xử lý", Hạnh kể.


Hai người điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm di chuyển trên đường Đào Tấn, quận Ba Đình, trưa 20/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Anh Trọng Nghĩa, 45 tuổi, ở Hải Phòng, cũng từng bị một chiếc xe máy điện do học sinh điều khiển cố tình vượt đèn đỏ, tạt đầu đâm trúng. May mắn do anh di chuyển chậm, tay lái vững, phản ứng kịp thời nên không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

"Di chuyển thầm lặng với vận tốc lớn" là cách người đàn ông 38 tuổi miêu tả về những chiếc xe máy điện hiện nay. Theo anh, sự nguy hiểm của các tình huống này do đa phần người lái xe là trẻ vị thành niên, học sinh, không hiểu biết luật giao thông, không đội mũ bảo hiểm, thích vượt đèn đỏ trong khi phương tiện không phát ra tiếng động. "So với xe máy, ôtô các chế tài xử lý, xử phạt xe điện, xe máy điện còn quá nhẹ nên không ai sợ", anh Nghĩa nói.

Trước thực trạng này, hôm 15/3, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện và xe dưới 50 cc vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và cần được áp dụng cho cả trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng việc yêu cầu người điều khiển xe máy vị thành niên phải học luật giao thông, thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe là rất cần thiết.

"Nhiều năm gần đây, tình trạng gây tai nạn giao thông của người điều khiển phương tiện chưa đủ 18 tuổi có diễn biến phức tạp, thậm chí nhiều vụ để lại hậu quả đau thương", bà An nói.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi 16-18 chủ yếu sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, xe điện. Riêng năm 2023, gần 1.000 trẻ dưới 18 tuổi thiệt mạng và 1.300 em bị thương do tai nạn giao thông. Khoảng 80% nạn nhân thuộc độ tuổi 15-18 và tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn.


Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Giang Huy.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng đồng tình với quy định giấy phép lái xe cho người 16-18 tuổi. "Việc điều khiển xe máy điện, xe máy 50cc không tuân thủ đúng luật còn khiến người cùng tham gia giao thông nảy sinh tâm lý sợ sệt, lo ngại", ông Tạo nói.

Như với Tuyết Hạnh, sau lần ngã và bị rạn xương, cô nảy sinh tâm lý lo sợ. Mỗi khi thấy xe do các thiếu niên điều khiển cô đều giảm tốc độ và giữ khoảng cách. "Họ không tránh mình thì mình tránh họ. Tôi luôn quan sát xung quanh chứ để bị đâm thì chỉ thiệt thân", Hạnh nói.

Còn với anh Nghĩa, sợ con trai học lớp 9 đi xe máy điện không làm chủ tốc độ, người đàn ông đã mang xe ra cửa hàng, yêu cầu thợ khống chế tốc độ tối đa chỉ 25-30 km/h, chỉnh lại đèn, còi xe. Anh cũng liên tục dạy con về luật đường bộ, yêu cầu mỗi khi ra ngoài phải đội mũ bảo hiểm, tuân thủ biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu. "Phương tiện dù tốt nhưng ý thức tham gia giao thông kém thì sớm muộn cũng để lại hậu quả", anh Nghĩa nói.

Tuy nhiên một số người cho rằng nếu bắt buộc người dưới 18 tuổi phải thi giấy phép lái xe sẽ tốn thời gian, tiền bạc và tăng chi phí xã hội.

Ngọc Ánh, 17 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội tuyên bố sẵn sàng đổi phương tiện khác bởi thấy phiền phức. "Chỉ một năm nữa em lại tiếp tục phải thi bằng lái xe A1", nữ sinh nói.


Ngọc Ánh lựa chọn xe điện làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Ảnh: Thanh Nga.

Tiến sĩ Tạo cho rằng lập luận của người dân là có căn cứ. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Công ước về giao thông đường bộ năm 1968, đều không quy định trường hợp đủ 16 tuổi đến 18 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cc phải thi giấy phép lái xe.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, thi bằng lái để người dân hiểu luật, chấp hành giao thông là tốt nhưng quan trọng hơn là nâng cao ý thức cho người đi đường, bởi không có phương tiện xấu, chỉ có người điều khiển không đúng cách.

Ngoài các biện pháp giáo dục cùng gia đình, nhà trường, chuyên gia đề xuất một số các chế tài xử lý, xử phạt nghiêm khắc như siết chặt các quy định quản lý về việc thu giữ phương tiện, xử phạt người điều khiển không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, đi quá tốc độ quy định.

Năm 2022, chị Thanh Thúy, ở quận Hà Đông từng chi 20 triệu đồng mua xe máy điện cho con đi học. Một năm nay chiếc xe bị xếp xó sau khi con trai đâm trúng người đi đường vì cố tình vượt đèn đỏ.

Dù nạn nhân chỉ xây xước ngoài da, không đòi bồi thường nhưng chị Thúy không muốn sự việc tương tự sẽ xảy ra nên yêu cầu con trai quay lại đi xe đạp. Trong trường hợp phải đi xa hoặc ngày mưa gió chị sẽ đưa đón.

"Đây là cách tốt nhất để bảo vệ con cùng những người xung quanh an toàn. Nếu con chưa thuần thục kỹ năng điều khiển xe và hiểu rõ luật đường bộ thì không nên tham gia giao thông", người phụ nữ 40 tuổi nói.

Theo vnExpress.net

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...