Tin mới
1
Cô gái cao 2,26 m lên mạng tìm chồng
Vài tháng qua, Tiểu Mai, 25 tuổi, livestream hàng ngày để giới thiệu bản thân và bày tỏ mong muốn tìm bạn trai vì không ai dám quen người cao 2,26 m như cô
Ảnh
Top Ten Travel đưa du khách khám phá Trung Quốc theo hình thức bay “Charter Flight”
Sau một thời gian dài đóng cửa, chính phủ Trung Quốc đã cho phép ngành du lịch hoạt động trở lại bắt đầu từ tháng 3/2023. Bên cạnh việc đón khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam, một số ít doanh nghiệp du lịch lớn tại Việt Nam cũng đang tiến hành tổ chức các tour du lịch đưa khách tới Trung Quốc theo hình thức bay “Charter”.

sunwin | sunwin

Cô gái cao 2,26 m lên mạng tìm chồng

Vài tháng qua, Tiểu Mai, 25 tuổi, livestream hàng ngày để giới thiệu bản thân và bày tỏ mong muốn tìm bạn trai vì không ai dám quen người cao 2,26 m như cô

Chàng trai mồ côi mang 'bữa cơm cho em' đến bản nghèo

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2024-05-15 04:05

Mặt trời gần xuống núi, 30 đứa trẻ Phiêng Cành vẫn xếp hàng dài đầu con đường độc đạo dẫn vào bản chờ Ngọc mang thức ăn đến nấu.

Từ đầu năm 2023, chiều nào chàng trai dân tộc Giáy cũng vượt 30 km từ trung tâm xã Tân Lập, huyện Mộc Châu tới bản người Mông này nấu cơm cho trẻ em khó khăn. Nắng hay mưa, chưa ngày nào Ngọc nghỉ.

Để duy trì bữa ăn hàng ngày cho các em nhỏ, Ngọc trích 30% doanh thu bán đặc sản Tây Bắc trên trang cá nhân với hai triệu lượt người theo dõi. Ngày bán được nhiều chàng trai mua thêm đồ, ngày bán ít anh lại bỏ tiền túi cố gắng phục vụ đủ bữa tối cho 20-30 đứa trẻ tại Phiêng Cành.

"Có ngày quá bận không thể tới được, tụi nhỏ lại nhớ mong bởi nếu không có bữa ăn tôi nấu, chúng thường chỉ ăn cơm trắng với rau dại trong rừng", Ngọc nói.

Chàng trai chia sẻ nhìn thấy hình ảnh tuổi thơ của mình trong những đứa trẻ nơi đây. "Chúng như cây cỏ dại, gieo mầm rồi tự lớn lên bằng sức sống hoang dại giữa núi rừng", Ngọc ví von.


Phan Bảo Ngọc chiều nào cũng vượt 30 km tới bản Phiêng Cành ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu nấu ăn cho 20-30 trẻ em nghèo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Bảo Ngọc quê ở huyện Yên Minh, Hà Giang. Từ khi còn bé xíu Ngọc đã theo mẹ lên nương gặt lúa, bẻ ngô. Năm hai tuổi, cậu bé vô tình cho tay vào máy tuốt, xuống bệnh viện huyện bác sĩ nói phải cắt bỏ cả bàn tay. Không cam tâm, người mẹ bế con đi bộ 50 km xuống viện tỉnh. Bàn tay được cứu nhưng vẫn phải cắt bỏ ngón trỏ do hoại tử.

Năm Ngọc 13 tuổi, bố ra trại cai nghiện về nhà thường xuyên đánh đập mẹ. Bế tắc, bà tự tìm lối thoát cho mình. Mất mẹ, Ngọc suy sụp. Sống cùng bố với những trận đòn roi, lại bị bạn bè khinh thường, dù ở nhà hay trên lớp Ngọc cũng chỉ lủi thủi một mình.

Một năm sau, bố lấy vợ mới, anh trai cũng dọn ra ở riêng, để lại mình cậu bé trong căn nhà dột nát. Để tiếp tục đi học, Ngọc nửa buổi đến trường, nửa buổi làm thêm đủ nghề trang trải cuộc sống. Bữa ăn khi đó với cậu bé này chỉ có cơm trắng được người anh chu cấp cùng rau cỏ trồng ngoài vườn. Lên cấp ba vì lịch học dày, không thể làm thêm, Ngọc thường đi mót những trái bí đỏ già cỗi chuyên dùng chăn nuôi gia súc về ăn dần.

Ăn uống thiếu chất khiến Ngọc nhiều lần kiệt sức. Đã có thời điểm cậu muốn nghỉ học nhưng thầy cô lại động viên "học hết cấp 3 mới xin được làm công nhân để thoát nghèo".

Nhưng khi Ngọc vừa học hết lớp 12, chưa kịp lấy bằng, bố về rao bán ngôi nhà cậu con trai út đang ở. Không chỗ nương thân, Ngọc tìm đến Mộc Châu, Sơn La xin làm thuê tại một trang trại chuyên trồng mận, dâu tây, cam quýt. Ở đây chàng trai có chỗ ăn, chỗ ở, lại học được kinh nghiệm trồng trọt.

Làm việc ở trang trại, rảnh rỗi Ngọc lại rủ người bạn quay clip khám phá về ẩm thực và một số địa điểm du lịch tại Mộc Châu rồi đăng lên trang cá nhân. Không ngờ những video này nhận được nhiều quan tâm và lên xu hướng. Thấy đây là hướng đi có thể giúp cải thiện thu nhập, Ngọc tích cực cho ra đời nhiều video hơn.


Ngọc thường một mình nấu những bữa cơm cho 20-30 trẻ tại bản Phiêng Cành, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2022 trong một lần đi quay, Ngọc tới bản Phiêng Cành của hơn 100 hộ người Mông. Thấy những đứa trẻ đi chân đất giữa trời đông lạnh cùng chiếc áo lấm lem bùn đất, chàng trai bỗng nhớ tới hình ảnh của mình năm xưa. Hỏi thăm vài em nhỏ, đứa phải ăn mèn mén, đứa phải đi mót khoai chống đói qua ngày, Ngọc bật khóc.

"Thời khắc ấy tôi đã nghĩ phải làm gì đó giúp đỡ cho bọn trẻ nơi đây", chàng thanh niên kể. Trở lại bản những lần sau, Ngọc mang thêm bánh kẹo, sữa hộp. Những lần tiếp theo, anh mang theo bát đĩa, xong nồi cùng thực phẩm tươi sống với mong muốn nấu cho bọn trẻ bữa ăn đủ chất.

Mỗi lần Ngọc nấu nướng, bên cạnh anh là hàng chục đôi mắt to đen lay láy chăm chú nhìn thao tác nấu nướng, lộ vẻ háo hức khi có đồ ăn ngon. Anh thấy lòng mình vui hẳn khi nghe tiếng cười giòn tan của bọn trẻ khi lần đầu được ăn bát mỳ tôm nóng hổi, những miếng sườn xào chua ngọt hay cá viên chiên.

"Với bữa cơm này, ít nhất bọn trẻ không phải đi ngủ với chiếc bụng rỗng như tôi ngày trước", Ngọc nói.

Cuối năm 2022, vì chưa sắp xếp được công việc nên một tuần Ngọc chỉ lên Phiêng Cành một lần, sau đó tăng dần lên hai, ba buổi. Vài tháng sau, người bạn đi cùng ghi lại những bữa cơm tràn ngập niềm vui rồi đăng lên trang cá nhân. Việc làm của Ngọc từ đó được nhiều người biết tới và được động viên nên kinh doanh đặc sản Tây Bắc để có thêm kinh phí. Thời điểm này, Ngọc cũng thành lập quỹ "Bữa ăn cho em", mong nhận thêm sự ủng hộ nhằm cải thiện bữa ăn cho những đứa trẻ ở Phiêng Cành.

Đầu năm 2023, khi sắp xếp được công việc, Ngọc nấu ăn thường xuyên hơn. Mỗi ngày, sáng anh làm việc ở trang trại, chiều lên bản nấu nướng, tối về lại livestream bán hàng. Công việc của chàng trai trẻ chỉ kết thúc sau 24h.


Phan Bảo Ngọc bên cạnh bé trai 5 tuổi người dân tộc Mông khi nấu bữa ăn tối cho tụi nhỏ, tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không chỉ mang đến bữa ăn ngon cho trẻ em vùng cao, Ngọc còn dạy tiếng Kinh, dạy chữ cho bọn trẻ. Từ những đứa bé sống tự do hồn nhiên như cỏ dại, sau hơn một năm, mỗi khi gặp người lớn bọn trẻ đã biết khoanh tay cúi chào. Chúng cũng không còn tranh giành mỗi khi có đồ ngon mà biết xếp hàng trật tự tới lượt lấy phần. Bọn trẻ cũng hiểu hơn cách chăm sóc bản thân khi không còn lê lết bùn đất và biết rửa tay trước khi ăn.

Làm cán bộ khuyến nông ở xã Tân Lập đã nhiều năm, ông Thào A Tú thấu hiểu cái nghèo ở bản Phiêng Cành, nơi có hơn 40% hộ đồng bào Mông thuộc diện khó khăn. Việc có một chàng trai trẻ đến bản thường xuyên nấu cho bọn trẻ những bữa ăn ngon, theo ông là việc làm đáng trân trọng.

"Không chỉ nấu ăn, Ngọc còn mua quần áo, cặp sách cho lũ trẻ. Nhiều đứa nói muốn được giống anh Ngọc thì được thanh niên này khuyên, chỉ có học mới thoát được nghèo", ông Tú nói.

Với những gì đã làm được, Ngọc mong muốn tương lai có thể mở một quán ăn 0 đồng phục vụ dân nghèo ở huyện Mộc Châu. Cùng với đó, chàng trai muốn đi hết các tỉnh vùng núi phía Bắc, mang những bữa ăn no đến với trẻ em khó khăn, giống như việc anh đã làm ở Phiêng Cành.

"Tôi luôn tin nếu có mục tiêu rõ ràng cùng khát khao thay đổi, giấc mơ sẽ thành hiện thực trong tương lai không xa", Ngọc nói.

Theo vnExpress.net

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận