Tin mới
2
Tiềm năng tỷ USD của 'bạn gái AI'
Các ứng dụng bạn gái, bạn trai ảo bằng AI được dự đoán mang về hàng tỷ USD nhờ "đem đến sự thoải mái cho người dùng vào cuối ngày"
Ảnh
iPhone 4 từng bị chê cười khi chưa ra mắt
Khi những hình ảnh đầu tiên của iPhone 4 được tiết lộ đầu năm 2010, nhiều người khẳng định đó không phải thiết kế chính thức của sản phẩm vì quá xấu.

sunwin | sunwin

Tiềm năng tỷ USD của 'bạn gái AI'

Các ứng dụng bạn gái, bạn trai ảo bằng AI được dự đoán mang về hàng tỷ USD nhờ "đem đến sự thoải mái cho người dùng vào cuối ngày"

Cuộc sống không chốn dung thân của hacker Triều Tiên

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2018-02-13 01:02

Được xem là lực lượng hacker lừng danh thế giới nhưng cuộc sống của những người được Triều Tiên gửi ra nước ngoài lại vô cùng khắc nghiệt.

Nhìn ở bất cứ góc độ nào, Jong Hyok không có gì khác biệt so với một nhân viên bình thường tuổi trung niên bạn có thể gặp trên các đường phố chật hẹp của quận Gangnam ở Seoul: điện thoại thông minh trên tay, áo khoác mùa đông màu xanh đậm, bên trong là một chiếc áo sơ mi giản dị, mở cổ.

Gặp anh ta tại một nhà hàng sushi và hỏi vài câu, bạn sẽ sớm nhận ra Jong có một cuộc sống phi thường. Người đàn ông này tỏ vẻ khinh thường, nhìn chằm chằm vào chiếc bàn phía trước và nói với giọng ngượng nghịu. Câu chữ của anh ta thường bị thiếu từ.

Hacker và mệnh lệnh kiếm tiền

Jong nói anh ta khoảng ngoài 30 tuổi nhưng đôi mắt mệt mỏi và làn da khiến anh trông già đi khoảng 10 tuổi. Anh ta sợ bị người khác khai thác thông tin, thứ có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của anh và gia đình. Anh nghi ngờ phóng viên của Businessweek, người thực hiện bài viết này, là gián điệp của Triều Tiên.

Cuoc song khong chon dung than cua hacker Trieu Tien hinh anh 1
 

Các hacker của Triều Tiên nổi tiếng toàn thế giới, giống như chương trình hạt nhân của họ. Tháng 5 năm ngoái, Triều Tiên bị cho là nước gây ra cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền WannaCry, lân lan đến hàng trăm nghìn máy tính trên toàn cầu. Kẻ tấn công yêu cầu cá nhân, tổ chức phải trả tiền chuộc bằng Bitcoin để mở khóa dữ liệu.

Trước đó vài năm, Triều Tiên đã đánh cắp và xuất bản thư tín riêng của Giám đốc điều hành Sony Pictures Entertainment, nơi sản xuất bộ phim châm biếm về đất nước họ mang tên The Interview.

Jong không tham gia vào các cuộc tấn công này nhưng trong nửa thập kỷ trước khi bị đào thải, anh là một người lính trong đội quân hacker của Triều Tiên. Không giống hacker tại một số nước khác, những người cố tìm cách ăn cắp bị mật của công ty và các Nhà nước, khai thác lỗ hổng bảo mật hoặc đơn giản là gây hỗn loạn, tin tặc của Triều Tiên hoạt động với mục đích đặc biệt: kiếm tiền cho đất nước, nơi phải chịu các chế tài khắc nghiệt của quốc tế vì chương trình hạt nhân của mình.

Theo Jong, những người tham gia đội quân này được yêu cầu phải kiếm khoảng 100.000 USD/năm bằng bất cứ cách nào và được phép giữ lại 10% trong số đó. Nếu họ tự thoát khỏi đường dây, đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng.

Các chuyên gia trong chính phủ Hàn Quốc nói rằng mỗi năm, Triều Tiên gửi hàng trăm hacker đến các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, Cambodia, nơi họ sẽ kiếm về hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, để tìm ra dấu vết của những “chiến binh mạng” này là vô cùng khó.

Thông tin về Jong Hyok được chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Businessweek, sau khi đã tuyển chọn kỹ lưỡng. Tên của nhân vật này cũng không phải tên thật. Sau nhiều cuộc gặp, anh đã cung cấp số điện thoại của 3 người khác, yêu cầu che giấu danh tính của họ.

Cuoc song khong chon dung than cua hacker Trieu Tien hinh anh 2
 

Trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ Triều Tiên muốn sử dụng công nghệ để thay đổi đất nước được xem là bí ẩn nhất thế giới. Trong những năm 1990, Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong Un coi lập trình là cách đẻ tái thiết kinh tế đất nước.

Ông thiết lập các loại bằng cấp về lập trình tại các trường đại học ở Bình Nhưỡng và tham dự những cuộc thi viết phần mềm hàng năm và đeo đồng hồ vàng lên tay người thắng cuộc.

Triều Tiên nuôi dưỡng hacker

Nguồn tin từ Hàn Quốc cho rằng Kim Jong Il thiết lập cả một lực lượng quân đội không gian mạng để mở rộng các hoạt động gián điệp của Triều Tiên. Ban đầu, lực lượng này nhắm đến những đối tượng như website chính phủ, hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi ông Kim qua đời năm 2011, người con trai của ông đã mở rộng chương trình. Mục tiêu tấn công của lực lượng này được mở rộng, như các chương trình hạt nhân, hệ thống bảo vệ và tổ chức tài chính.

Thông thường, Triều Tiên từ chối nhân trách nhiệm về các hoạt động này. Họ nói rằng các hoạt động liên quan đến máy tính ở nước ngoài chỉ nhằm quảng bá cho chương trình diệt virus trên phạm vi toàn cầu. Quốc gia này đã dành hơn một thập kỷ cho những chương trình tương tự, một trong số đó có tên SiliVaccine.

Lập trình viên cao cấp? Không. Chúng tôi chỉ là một nhóm lao động nghèo, được trả lương thấp!

 

Máy tính tại đất nước này cũng chạy hệ điều hành riêng mang tên Red Star với giao diện tương đối giống macOS. Sự ngưỡng mộ của ông Kim Jong Un với sản phẩm Apple là điều không phải bàn cãi. Năm 2013, người ta chụp được bức hình của ông đứng trước một chiếc iMac trong cuộc họp với lực lượng quân đội. Một bức ảnh sau đó vài năm cho thấy ông sử dụng máy tính Apple trên máy bay riêng.

Ông Kim cũng muốn phổ cập smartphone đến với 25 triệu công dân Triều Tiên, đồng thời trả phần thưởng là những ngôi nhà đẹp, mức lương cao hơn cho các nhà khoa học máy tính. Đồng thời, ông cũng gửi những người này ra nước ngoài nhiều hơn, nơi khả năng kết nối Internet tốt hơn, giúp họ ẩn mình dễ dàng hơn.

Cuoc song khong chon dung than cua hacker Trieu Tien hinh anh 3
 

Jong là một trong những người được gửi ra nước ngoài bởi Kim Jong Il giai đoạn đầu. Sinh ra tại Bình Nhưỡng vào những năm đầu thập niên 80, cha mẹ anh là người trung thành tuyệt đối với Đảng Lao động và nhà lãnh đạo Kim Il Sung, người sáng lập ra Đảng và là ông nội của Kim Jong Un.

Lớn lên, Jong được nghe kể về sự dũng cảm của chính ông nội mình trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II.

Khi còn bé, môn học ưa thích của Jong là sinh học và anh mong muốn trở thành bác sĩ. Cha mẹ anh ủng hộ nhưng Nhà nước xác định từ điểm kiểm tra của Jong rằng anh nên học khoa học máy tính. Vào cuối những năm 90, anh được chính phủ lựa chọn để học tập tại Trung Quốc.

Những năm tháng sống ở đây mang đến cho Jong một thế giới khác. Đi theo phái đoàn nhưng Jong thường xuyên lén đi uống rượu, khiêu vũ hoặc cắm trại với các sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến anh sốc nhất là khả năng truy cập Internet không giới hạn. Những chiếc máy tính tại quê nhà được kiểm soát chặt chẽ đến mức nó chỉ được dùng để tính toán hoặc hiển thị biểu đồ. “Tôi cảm thấy như một con ngựa được thả giữa cánh đồng bất tận”, anh nói.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Triều Tiên có vẻ đã cởi mở hơn. Trong các kỳ nghỉ, Jong trở về nhà và phát hiện ra một vài người bạn giàu có của mình đã sở hữu PC. Họ chơi những game như Counter-Strike, xem các vở kịch Hàn Quốc qua đầu DVD.

Jong tốt nghiệp và trở về nhà để nhận bằng cử nhân, làm việc cho một cơ quan Nhà nước, viết phần mềm văn phòng. Khi đó, chính phủ đầu tư vào hàng loạt dự án công nghệ, bao gồm việc dùng đường dây điện để truyền tải dữ liệu. Jong hy vọng rằng công nghệ sẽ là cách tạo ra các tiến bộ khoa học, chứ không phải các mối nguy.

"Chúng tôi chỉ là những lao động nghèo"

Tuy nhiên, trước khi làm được bất cứ việc gì, chính phủ nói với anh rằng họ có một kế hoạch khác. Anh sẽ tiếp tục sang Trung Quốc, taọ ra một phần mềm để giúp “thắp sáng tương lai” cho lĩnh vực IT của Triều Tiên. Jong biết chắc điều đó có ý nghĩa gì: Đi và kiếm tiền cho đất nước.

"Một số hacker không có gì để ăn và chỉ một số ít may mắn có công việc để làm"

 

Không lâu sau, Jong vượt qua biên giới bằng đường bộ, bắt một chiếc xe bus để đến thành phố được chỉ định. Tại đây, anh sống trong một ngôi nhà tương đối lớn, nằm trên con phố bận rộn - nơi sở hữu bởi một ông trùm người Trung Quốc, có quan hệ kinh doanh với Bình Nhưỡng. Hàng chục sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ưu tú của Triều Tiên – tất cả đều là đàn ông – ở tầng trên cùng.

Ban đầu, Jong không có máy tính. Anh phải mượn của người bạn cùng phòng, lập trình để trả tiền thuê nhà cho đến khi có đủ tiền mua máy tính. Anh bắt đầu sự nghiệp bằng cách cung cấp phiên bản beta của các phần mềm thương mại như game hay phần mềm bảo mật, sau đó thu thập thông tin của khách hàng để bán trên mạng. Khách hàng đến chủ yếu thông qua truyền miệng hoặc các website trung gian, chủ yếu từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.

Những người như Jong được giám sát bởi một “đại biểu”, người không biết lập trình nhưng đóng vai trò chính trong các giao dịch và thanh toán. Một cảnh sát viên người Triều Tiên ở đó để xử lý các vấn đề về an ninh.

Cuoc song khong chon dung than cua hacker Trieu Tien hinh anh 4
 

Jong tiến bộ rất nhanh và sớm trở thành thành viên cao cấp trong ngôi nhà. Khi đơn đặt hàng ít, anh và các đồng nghiệp xâm nhập các trang web đánh bạc, ngó trộm thẻ bài của người chơi này và bán cho người chơi khác.

Họ tạo ra các bot có thể đi lang thang trong các game trực tuyến như Lineage và Diablo, thu thập vật phẩm kỹ thuật số như vĩ khí, quần áo và ghi điểm cho nhân vật. Sau đó, họ bán nhân vật với giá khoảng 100 USD.

“Lập trình viên cao cấp? Không. Chúng tôi chỉ là một nhóm lao động nghèo, được trả lương thấp”, Jong nhớ lại. Anh từ chối những cáo buộc phạm tội của các chuyên gia bảo mật gần đây nhắm vào Triều Tiên, chẳng hạn ăn cắp số thẻ tín dụng, cài đặt mã độc tống tiền trên máy chủ của các công ty. Tuy nhiên, anh không nghi ngờ nếu những điều đó đang diễn ra thật. “Triều Tiên sẽ làm bất cứ thứ gì để có tiền, thậm chí yêu cầu bạn ăn cắp”.

Cuộc sống khắc nghiệt

Họ có mục tiêu phải thực hiện, nếu không muốn phải bị juk-bol-e (bị gửi về nhà). Nghiêm trọng hơn, nếu họ cố tình cắt giảm lợi nhuận hoặc thể hiện sự không trung thành với chế độ, họ không chỉ bị hồi hương mà còn bị bắt làm những việc nặng nhọc tại nhà máy hoặc trang trại.

Vào thứ 7 hàng tuần, các nhà quản lý, đôi khi là quan chức viếng thăm sẽ tổ chức cuộc họp kéo dài 2 tiếng để thảo luận về triết lý của Kim II Sung và Kim Jong Il.

Jong ước tính, anh đem về khoảng 100.000 USD/năm. Do anh và các đồng nghiệp được cho là làm việc năng suất, cuộc sống của họ khá sung túc. Phòng ở của anh có máy điều hòa vào mùa hè. Trong lúc rảnh rỗi, họ chơi Counter-Strike, xem kịch Hàn Quốc. Họ cũng có thể xuống sân sau để chơi đá bóng, cầu lông hoặc bóng chuyền.

Jong thậm chí còn được đi du lịch một vài nơi ở Trung Quốc, cùng với quan chức Triều Tiên. Trong những chuyến đi này, anh hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức của lực lượng này và hiểu rằng, không phải đơn vị nào cũng may mắn như anh.

Các cơ quan Nhà nước khác đều gửi người ra nước ngoài để kiếm tiền. Tất cả hoạt động của họ đều được định hướng bởi một tổ chức bí mật của Đảng Lao động, gọi là Phòng 91.

Jong từng được đến thăm một tòa nhà chật hẹp ở thành phố Yannji. Hàng chục coder sống ở đó, mặc quần short và dùng quạt để chống lại cái nóng và độ ẩm cùng nước mưa từ trần nhà rơi xuống. “Một số hacker không có gì để ăn và chỉ một số ít may mắn có công việc để làm”, Jong nói. Một trong số họ đang điều trị bệnh lao, một người khác đang điều trị y tế với một con gián trong tai. Họ rõ ràng không nhận được đãi ngộ giống như Jong.

Những lập trình viên khác kể với Jong câu chuyện tương tự. Một lập trình viên trẻ tuổi ở Bắc Kinh bị đồng nghiệp đánh vỡ xương sườn vì nhận kim chi từ một doanh nhân Hàn Quốc. Một hacker ở Quảng Châu bị chết vì bệnh sốt xuất huyết nhưng không được phép mang thi thể về. Phải sau đó 6 tháng, sau khi hỏa táng, tro cốt của anh ta mới được đưa về nước.

"Tôi cảm thấy giá trị của mình bị giảm đi một nửa khi nói với mọi người tôi đến từ Triều Tiên"

 

Sau 2 năm làm việc, Jong cũng gặp vấn đề mà anh mô tả là “sự cố đáng tiếc” liên quan đến quan chức chính phủ. Anh bỏ trốn trước khi bị đưa về nước. Trong 2 năm, anh đi lang thang khắp miền nam Trung Quốc, kiếm tiền bằng cách hack thông tin, ngủ tại khách sạn và tận hưởng thứ tự do mà trước đây anh không thể tưởng tượng ra. Tuy nhiên, đây cũng không phải cách kiếm sống lâu dài.

Trở về nhà chắc chắn không phải lựa chọn bởi anh có thể bị trừng phạt bằng cái chết của mình. Jong mua một hộ chiếu Trung Quốc giả với giá 10.000 tệ (khoảng 1.600 USD), đến Bangkok bằng tàu và xe bus và gõ cửa đại sứ quán Hàn Quốc. Anh sống dưới sự bảo hộ của đại sứ quán khoảng một tháng, trước khi được đưa về Hàn Quốc.

Cuoc song khong chon dung than cua hacker Trieu Tien hinh anh 5
 

2 nhân vật trốn chạy khác khác nói chuyện với Businessweek xác nhận câu chuyện của Jong, mặc dù công việc của họ hơi khác. 2 người này được gửi đến Trung Quốc để lập trình, bán ứng dụng iPhone và Android. Họ được yêu cầu kiếm 5.000 USD/tháng cho chính phủ, làm việc 15 tiếng/ngày và sống dưới áp lực cũng như mối nguy giống Jong.

Ở Hàn Quốc, Jong có một công việc khá tốt nhưng cuộc sống của anh không hoàn toàn suôn sẻ. “Tôi cảm thấy giá trị của mình bị giảm đi một nửa khi nói với mọi người tôi đến từ Triều Tiên”. Những người khác trong cộng đồng 30.000 người trốn chạy khỏi Triều Tiên cũng bộc lộ tâm trạng tương tự.

Mặc dù vậy, họ không có đường quay lại. Jong thỉnh thoảng gặp những mật vụ của Hàn Quốc và Mỹ, những người muốn tìm hiểu thông tin về Triều Tiên trong các cuộc điều tra. Mật vụ Hàn Quốc hỏi về “Phòng 91” – các hacker ở đây hoạt động như thế nào và họ đã làm gì trong quá khứ. Mật vụ Mỹ hỏi anh có biết về một tòa nhà 4 tầng mới xây tại Bình Nhưỡng hay không.

Buổi tối, Jong trở về nhà, sống lặng lẽ với người vợ Hàn Quốc. Cậu con trai của anh vừa mới tập đi.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận