Tin mới
4
Phim Đóa Hoa Mong Manh làm lễ ra mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tối 11/4/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bộ phim Đóa Hoa Mong Manh tổ chức lễ công chiếu tại cụm rạp BHD Star Thảo Điền (Tầng 5, TTTM Vincom Mega Mall, 159 XL Hà Nội, Thảo Điền, TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây cũng là một hoạt động trong nằm khuôn khổ LHP quốc tế TPHCM lần thứ nhất (HIFF 2024) đang diễn ra từ ngày 6 đến 13/4.
5
Đạo diễn Lý Hải, tỉ mỉ đến từng chi tiết bối cảnh Lật Mặt 7
Đạo diễn Lý Hải, nổi tiếng là nhà làm phim chú trọng đến tính chân thực, tỉ mỉ đến từng chi tiết trong việc tạo dựng và tìm kiếm bối cảnh quay. Hậu trường kỳ công của Lật Mặt 7: Một Điều Ước, một lần nữa, cho thấy mức độ đầu tư và sự tìm tòi nghiên cứu chưa từng có trong điện ảnh Việt.
Ảnh
'Lật mặt 7' lộ diện dàn diễn viên khủng
Chiều ngày 08/12/2023 tại Chloe Gallery, ekip “Lật mặt 7” đã có buổi ra mắt dàn diễn viên phim. Với tổng số xấp xỉ 50 diễn viên, “Lật mặt 7” cũng là dự án đạt kỷ lục về đội ngũ diễn viên tham gia đông nhất từ trước đến nay của thương hiệu.

sunwin | sunwin

Dạ Cổ Hoài Lang: Sự nhập nhèm giữa điện ảnh và sân khấu

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2017-03-31 05:03

“Dạ Cổ Hoài Lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng theo đuổi một đề tài nghiêm túc, nhưng đáng tiếc đã phạm quá nhiều lỗi sơ đẳng, dẫn đến sự nửa vời, nhập nhèm, nửa phim nửa kịch.


Trailer bộ phim 'Dạ cổ hoài lang' Bộ phim được thực hiện dựa trên vở kịch cùng tên cách đây 22 năm, có sự góp mặt của Hoài Linh - Chí Tài, và do đạo diễn Dũng "khùng" thực hiện.

Sau một năm nở rộ về số lượng và bết bát về chất lượng, điện ảnh Việt đang có những hướng đi tích cực để phá vỡ sự khuôn mẫu, đóng khung và sự dễ dãi đến mức lố bịch ở dòng phim giải trí. Dạ Cổ Hoài Lang và Lô Tô chiếu cách nhau một tuần, sau đó nữa là Cha cõng con và sắp tới là Có căn nhà nằm nghe nắng mưa.

Điểm khác biệt của bốn bộ phim này là đề tài đã vượt thoát khỏi quỹ đạo phim giải trí mua vui để tìm tới những câu chuyện nghiêm túc về những thân phận bên lề, những kẻ bị đẩy dạt ra khỏi trung tâm của xã hội, những người già cô đơn, những thân phận “bê đê bóng gió” trôi dạt, những người nghèo miền núi...

Đó là những đề tài đầy thách thức, đòi hỏi sự dũng cảm và quyết liệt của đạo diễn và sự chịu chơi, có tầm nhìn của nhà sản xuất để mở rộng thị hiếu khán giả và đi tìm sự đồng cảm ở họ. Chúng ta ghi nhận và trân trọng những nỗ lực vượt thoát này, nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo và sòng phẳng khi đánh giá về chất lượng của chúng. Bởi sự tử tế và nghiêm túc là chưa đủ để làm một bộ phim hay.

Nhạy xu hướng là chưa đủ

Sau thất bại của Siêu nhân X, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gần như biến mất khỏi phim trường điện ảnh. Cuối cùng, Dũng âm thầm thực hiện dự án Dạ Cổ Hoài Lang, một bộ phim chuyển thể từ vở kịch có thể nói là kinh điển của sân khấu đương đại Việt Nam.

Da Co Hoai Lang: Su nhap nhem giua dien anh va san khau hinh anh 1
Hoài Linh và Chí Tài trong vai hai ông già cô đơn ở xứ người. Ảnh: ĐPCC.

Dũng luôn là đạo diễn khôn ngoan, biết tìm tòi đề tài và nắm bắt khá tốt các xu hướng điện ảnh giải trí mới của thế giới. Anh khởi đầu sự nghiệp của mình với Hồn Trương Ba da hàng thịt, dựa theo vở kịch kinh điển của Lưu Quang Vũ nhưng với phong cách spoof movie (phim nhái, giễu nhại) khi mà thể loại này đang thịnh hành ở Hollywood lẫn Hong Kong, nơi mà Châu Tinh Trì được xem là đại diện tiêu biểu nhất.

Anh thể nghiệm dòng phim ca nhạc với Những nụ hôn rực rỡ. Anh phát huy dòng phim chick-flick với Mỹ nhân kế và rất kịp thời chơi thể loại siêu anh hùng với Siêu nhân X. Đáng tiếc là cá nhân tôi chưa bao giờ tìm thấy sự đồng cảm điện ảnh nào từ những bộ phim của anh, ngoài việc thừa nhận anh là một người nhanh nhạy về xu hướng, luôn có những ý tưởng thông minh.

Phim của Dũng có thể tìm thấy một vài cảnh, một vài đoạn đối thoại dí dỏm, hoạt kê. Có lẽ vì thế mà khá nhiều khán giả trẻ thích phim của anh và Dũng là một trong ít đạo diễn thành công ở phòng vé. nhưng tất cả các bộ phim của Dũng đều có vấn đề về tổng thể, về nhịp và về chỉ đạo diễn xuất.

Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Steven Soderbergh từng nói: “Dựng phim là lúc ta không thể nào giấu mình được nữa, mọi điểm tốt, mọi điểm thiếu sót của phim đều được phơi bày ra cả ở đấy. Khi ta học dựng phim, ta không chỉ học cách ghép cảnh, ta còn học cách xây dựng một câu chuyện bằng hình, học cách đánh giá diễn xuất của diễn viên khi chọn các đúp quay tốt và dở.”

Những bộ phim của Dũng chỉ được ghép từ các cảnh chứ không thấy được cách anh xây dựng một câu chuyện bằng hình. Những điều đó, đáng tiếc một lần nữa lại bị lặp lại trong Dạ Cổ Hoài Lang.

Quá kịch, quá lỗi thời

Lỗi nặng nhất của bộ phim này là sự nhập nhèm giữa ngôn ngữ điện ảnh và ngôn ngữ sân khấu. Kịch bản quá nệ vở kịch gốc, dàn dựng và chỉ đạo phim càng lệ thuộc vào không khí của vở kịch mẹ đẻ. Chính vì không dám thoát khỏi kịch bản nguyên thủy nên nội dung phim bị lỗi thời.

Da Co Hoai Lang: Su nhap nhem giua dien anh va san khau hinh anh 2
Will và Đình Hiếu trong vai ông Tư và ông Năm thời trẻ. Ảnh: ĐPCC.

Chính vì không tạo được sự khác biệt về loại hình nghệ thuật, phim liên tục bị rơi vào sự nửa vời, nặng tính ước lệ, va vào những lỗi logic sơ đẳng về câu chuyện. Và có lẽ không có gì khó chịu khi xem một bộ phim trên màn ảnh rộng bằng sự nửa vời.

Ê-kíp làm Dạ Cổ Hoài Lang lấy bối cảnh ở Mỹ, nhưng đó chỉ là bối cảnh “xác”, vay mượn về không gian mà không mang lại được cho nhân vật sự liên đới nào với cái xứ sở họ phải chịu sự lưu đày về thời gian và tâm hồn. Chính xác hơn, đó chỉ là những chuyến du lịch cưỡi ngựa xem hoa vội vã với cách kể chuyện vụng về để thuyết phục khán giả rằng nhân vật đang bị lưu đày tâm hồn ở đó.

Trừ hai cảnh ngoại ở đầu và cuối phim được quay trên nền bão tuyết trắng xóa ở New York, hầu hết những cảnh còn lại của thời hiện tại trong Dạ Cổ Hoài Lang được quay hoàn toàn ở cảnh nội. Và cả hai cái cảnh ngoại giữa trời tuyết trắng ấy, ta thấy dường như chỉ có ông Tư (Hoài Linh) và ông Năm (Chí Tài) ở giữa một cái siêu đô thị như New York.

Chúng ta không thấy sự tương tác của họ với con người sở tại xung quanh, chúng ta không thấy sự liên hệ của họ với bối cảnh. Đâu có khó để quay một cái trại dưỡng lão, nơi ông Tư cô đơn bị lưu đày tâm hồn trong đó và phải trốn trại để trở về nhà đứa con trai nhân ngày giỗ của người vợ?

Đâu có khó để diễn tả cảnh ông Tư bước đi lạc lõng và cô độc giữa đám đông xung quanh? Vì không có những cảnh mô tả được sự tương tác, chúng ta chỉ thấy cảnh ông Tư chạy tất tưởi băng qua một khu rừng và dừng lại ở một cái ghế đá ngoài đường để xin đi nhờ về nhà con trai. Và rồi thế nào đó mà ông bắt được chiếc xe có ông Năm giữa một thành phố hơn chục triệu dân và rộng lớn như New York.

Ông trở về nhà. Và không biết ông bắt vịt lúc nào mà có một con vịt trời xuất hiện trong nhà, nguồn cơn của cuộc mâu thuẫn cãi cọ giữa ông và đứa cháu gái. Tư duy sân khấu minh họa và ước lệ được tiếp diễn một cách ngột ngạt trong những đoạn đối thoại triền miên được dựng một cách vụng về giữa hai ông cháu.

Sự ngột ngạt và tù đọng

Chúng nghèo nàn về ý, cô cháu hở ra một câu là dọa gọi police (cảnh sát), ông Tư thì hết lôi con vịt đến bức tranh quê hương để diễn tả nỗi nhớ nhà. Cô cháu nhất quyết cấm ông không được đụng đến chiếc bánh sinh nhật cô làm để tặng bạn trai....

Da Co Hoai Lang: Su nhap nhem giua dien anh va san khau hinh anh 3
Bộ phim khai thác thời trẻ của hai nhân vật chính nhiều hơn trong kịch. Ảnh: ĐPCC.

Những chi tiết đó, nếu được đặt trên sân khấu, trong một vở kịch thiên về tưởng tượng hơn thực tế của thời điểm năm 1995, thì có thể thông cảm và thấu hiểu được. Nhưng trời ạ, chúng ta đang xem một bộ phim điện ảnh trên màn ảnh rộng cơ mà. Khi ta không có sự đồng cảm với nhân vật, không thể lý giải cho sự phát triển tâm lý cơ bản của họ, làm sao chúng ta theo được nhân vật?

Và cứ thế, hai nhân vật đối nhau chan chát qua những góc máy nghèo nàn và vụng về, qua một cái bối cảnh không thể xấu hơn, qua bộ trang phục váy chấm bi, tất trắng kéo lên tận đầu gối của cô cháu gái. Cái không gian ngột ngạt đó, bộ trang phục quê mùa xấu xí đó, những đoạn đối thoại phi thực đó giữa hai ông cháu khiến tôi không thể tìm được một điểm đồng cảm nào để bảo vệ cho họ, thì làm sao họ thuyết phục được tôi?

Và ôi thôi những góc máy chết tù đọng khiến ta như đang xem trên một sân khấu mà ta chỉ có thể đảo mắt để quan sát nhân vật chứ không phải nương theo góc máy camera để thấy được ý đồ của đạo diễn trong việc xử lý tâm trạng nhân vật.

Đạo diễn người Canada Antom Egoyan từng nói: “Cá nhân tôi nghĩ rằng bất cứ chuyển động máy nào cũng phải là một lời đáp theo vận động nội tâm của nhân vật. Chẳng có cường độ ánh sáng nào, hay tiếng Dolby, hay âm nhạc có thể bù được sự thiếu hụt của diễn xuất.”

Sự nghèo nàn về góc máy trong Dạ cổ hoài lang gần như không đi theo một vận động nội tâm nhân vật nào cả trong việc xử lý bối cảnh nội. Nhân vật anh bạn trai người nước ngoài của cô cháu gái rất nhiều lần “chết” trong khung hình.

Không thể đồng cảm

Và âm nhạc minh họa nghe inh tai thường nổi lên để cố gắng cứu lại một phần cái vận động nội tâm của hai nhân vật chính, nhưng càng chứng tỏ sự bất lực. Trong đoạn đối thoại dài sau đó giữa ông Tư và ông Năm khi hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ hay trưởng thành ở quê nhà của họ, nhịp phim được cải thiện một chút, nhờ diễn xuất dày dặn và những màn tung hứng giữa hai tên tuổi đã quen diễn chung với nhau này.

Nhưng một thủ pháp vụng về khác lại xuất hiện. Những đoạn flashback (hồi tưởng) bắt đầu xuất hiện, “chèn” vào giữa những lời kể mà thiếu sự kết nối nhịp nhàng. Những cảnh hồi ức được xử lý không tệ với diễn xuất khá sinh động của dàn diễn viên trẻ, nhưng đạo diễn vẫn tiếp tục tư duy của người dựng MV với những khuôn hình nặng về cliché (sáo mòn) mà ta đã thấy nhan nhản trên màn ảnh.

Và rồi chi tiết đinh xuất hiện, gắn với chủ đề của bộ phim là bản vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang, chuyển hồi ức sang hiện tại. Ông Tư Hoài Linh mặt dàn dụa nước mắt nước mũi cất tiếng nức nở trên nền nhạc réo rắt, mà gần như không có một sự chuẩn bị tâm lý hay cảnh “mồi” nào trước đó, cho cả nhân vật và khán giả.

Da Co Hoai Lang: Su nhap nhem giua dien anh va san khau hinh anh 4
Hoài Linh có vai diễn điện ảnh khác nhiều hơn so với trước đây. Ảnh: ĐPCC.

Một trong những lỗi nghiêm trọng khác của tư duy ước lệ sân khấu khác cũng bị phơi bày trong những cảnh này. Vì tình tiết và diễn biến tâm trạng quá nghèo nàn, máy quay lâu lâu lại focus vào khung hình thờ của người vợ ông Tư Một lần, hai lần tôi hiểu được, có thể gọi đó là một “lời đáp theo sự vận động nội tâm của nhân vật”.

Nhưng đến lần thứ ba, thứ tư, thứ năm và... tôi không đếm nữa, thì tôi biết cả đạo diễn lẫn quay phim đều loay hoay với xử lý không gian và bối cảnh của họ, hoặc giả họ trám vào khi làm việc trên bàn dựng bởi không có gì nữa để đắp vào. Một người xem tinh ý đã phát hiện ra là bức chân dung của bà vợ... Tưởng Giới Thạch được chỉnh lại.

Tôi rất khó chịu với những đạo diễn từ sân khấu chuyển sang làm đạo diễn điện ảnh với lối tư duy ước lệ, minh họa và lắm lúc ẩu tả. Nhưng Nguyễn Quang Dũng xuất thân là đạo diễn điện ảnh và đã làm nghề hơn 10 năm rồi cơ mà?

Tôi chưa bao giờ tìm được sự đồng cảm nào từ những bộ phim điện ảnh trước đây của Dũng, nhưng tôi chờ đợi và hi vọng vào Dạ Cổ Hoài Lang của anh. Tôi muốn viết những điều tốt đẹp hay những lợi ngợi khen cho một đạo diễn luôn tìm tòi đề tài và thể loại.

Nhưng rất tiếc, một lần nữa tôi muốn bỏ lại hết những hình ảnh và câu chuyện trên phim ngay khi bước ra khỏi rạp chiếu của Dạ Cổ Hoài Lang.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận