Tin mới
5
Sự thật về hai cậu bé đạp xe tìm mẹ
Chiều 21/4, hai cậu bé người Mông đạp xe qua huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình được công an đưa về gia đình tại bản Dền Thàng B, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Ảnh

sunwin | sunwin

Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma và bài học cho người trẻ

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2016-03-14 09:03

Ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ Quốc kỳ, dấu mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Năm 2012, tôi may mắn có mặt trong đoàn đại biểu Hành trình vì biển đảo quê hương ra thăm Trường Sa. Trước khi lên tàu, chúng tôi đều được đọc và tìm hiểu về các đảo chìm, đảo nổi của quần đảo yêu dấu.

Dù đã biết lịch trình, tìm hiểu về Trường Sa, nhưng chúng tôi rất bất ngờ khi được chứng kiến giây phút đoàn công tác tiến hành lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa, gần cụm đảo Sinh Tồn – Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma (quần đảo Trường Sa).

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu cùng mặc niệm và thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, Phó chủ nhiệm Cục chính trị, Quân chủng Hải quân cho biết, ngày 14/3/1988 tại vùng biển này, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 Trường Sa; các tàu HQ - 604, 605, 505 (Lữ đoàn 125) và trung đoàn 83 công binh đã chiến đấu quyết liệt, quả cảm, chống lại sự tấn công bất ngờ của Hải quân Trung Quốc, trong lúc bộ đội ta đang làm nhiệm vụ vận tải, xây dựng công trình bảo vệ đảo ở Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.

"Chúng tôi bồi hồi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, cán bộ chiến sĩ Hải quân - những người con trung kiên của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh… Trong sự kiện này, 64 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền của quê hương”, tôi vẫn nhớ rõ những lời nói xúc động của vị thiếu tướng quân đội.

Sau lời điếu của tướng Bùi Sĩ Trinh, những cán bộ, chiến sĩ có mặt trên tàu HQ 571 cùng thả vòng hoa xuống biển.

Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma và bài học cho người trẻ
Vòng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ảnh: Khánh An. 

“Theo truyền thống, phong tục của dân tộc Việt Nam, chúng tôi xin thắp nén nhang và thả vòng hoa tưởng niệm này để tưởng nhớ các đồng chí, để các đồng chí thanh thản, mãi mãi ở lại với biển, đảo, cùng chúng tôi canh giữ và bảo vệ Trường Sa, Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc. Nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh”, thiếu tướng Trinh nói.

Lễ tưởng niệm ngắn gọn, nhưng vô cùng xúc động. Nhiều người đã khóc khi những vòng hoa được từ từ thả xuống biển xanh. Kể từ đó, cái tên Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao gieo vào tâm trí tôi câu hỏi “Điều gì đã xảy ra ở đây?”.

Sau chuyến công tác, tôi lục tìm trong sách giao khoa và một số sách đại cương lịch sử về sự kiện Gạc Ma năm 1988. Tuy nhiên, tôi không thấy thông tin mình cần, cũng không thấy những hình ảnh hào hùng của trận đánh năm nào trong sách giáo khoa Lịch sử. 

Cũng thật may mắn, Thư viện Quốc gia lại lưu trữ bài viết trên báo Nhân Dân năm 1988, đăng danh sách 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến này. Lần mở lại những tài liệu của Hải quân Việt Nam, tư liệu của báo Nhân Dân, Thông Tấn Xã Việt Nam những năm 1988, 1989, tôi hiểu hơn lịch sử của sự kiện Gạc Ma ngày nào.

Những trang tư liệu ấy giúp tôi hình dung ra thời điểm 6h sáng 14/3/1988 trên bãi đá Gạc Ma. Với quyết tâm không để Hải quân Trung Quốc hạ cờ Tổ quốc cắm trên đảo, thiếu úy Trần Văn Phương đã bị bắn, tử thương. Trước khi về với biển, ông hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Trong các tài liệu của Hải Quân Việt Nam, sự kiện này được biết đến với tên gọi CQ-88 (Chủ quyền-88).

Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 1988, sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Ngày 4/3/1988, Hải quân ta xác định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150, trong đó, Gạc Ma giữ vị trí quan trọng.

6h, ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lính Trung Quốc nổ súng bắn vào bộ đội ta. Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.

Hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ hải quân hy sinh ở Trường Sa năm 1988 sau này được tôn vinh là “vòng tròn bất tử”. Tên gọi tuy ngắn gọn nhưng diễn đạt trọn vẹn sự hy sinh cao cả của những người lính bộ đội cụ Hồ. Gạc Ma, vòng tròn bất tử đã trở thành bài học vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay.

“Nhiều anh em đã ngã xuống ngay sau những loạt đạn đầu tiên. Người này ngã xuống, người kia lại cầm cờ lao về phía cột cờ, không để rơi vào tay giặc”, những chia sẻ của ông Lê Hữu Thảo - người lính Gạc Ma may mắn sống sót - như muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ rằng: Bài học đoàn kết, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ăn sâu vào lý tưởng sẽ giúp người trẻ vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đất nước.

Từ vòng tròn bất tử, thanh niên hôm nay có thể "nối vòng tay lớn" để đi đến bất cứ nơi đâu Tổ quốc gọi. Vòng tay tình nguyện đoàn kết của những người mười chín, đôi mươi mang trên mình màu áo xanh thanh niên quen thuộc đã và đang đến những vùng sâu, vùng xa giúp đỡ người dân còn khó khăn trong cuộc sống.

Hay "vòng tay tri thức" trải rộng khắp năm châu của những du học sinh Việt "mang chuông đi đánh xứ người", mà thành tích xuất sắc của họ làm rạng danh đất nước.

Vòng tay của sức mạnh thông tin mà người trẻ kết lại vững chắc trên mặt trận truyền thông kiên quyết chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông. 

Và có lẽ ý nghĩa nhất vẫn là bài học lịch sử: Như hình ảnh người trước ngã xuống, người sau anh dũng lao lên, những người trẻ hôm nay mạnh mẽ phấn đấu, vươn lên, học tập, lao động để xây dựng đất nước.

Gần đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi công công trình Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma với nguồn kinh phí từ sự đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động, các cơ quan, đơn vị, đồng bào trong nước, kiều bào ngoài nước, nhằm tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân.

Việc xây dựng tượng đài và đưa sự kiện lịch sử này vào sách giáo khoa sẽ góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Mời đón đọc bài 2: Cựu binh Gạc Ma: 'Tôi muốn đồng đội được nhắc tên trong sách giáo khoa'

Ông Lê Hữu Thảo - người trực tiếp tham gia trận chiến Gạc Ma năm 1988 - mong muốn sự kiện này sẽ được nêu trong sách giáo khoa ở cả ba cấp học. Việc đưa Gạc Ma vào sách giáo khoa cũng là cách bác bỏ những thông tin sai lệch đang trôi nổi trên mạng.

Khẳng định lịch sử không thể viết bằng trí tưởng tượng, cựu binh bày tỏ: “Lịch sử trước sau vẫn như một, cần tôn trọng, kể cả đúng hay sai, chiến thắng hay thất bại”.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận