Tin mới
1
Nuôi búp bê làm con
Thay vì kết hôn hay làm mẹ, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc gia nhập cộng đồng nuôi búp bê làm con vì thấy không phiền phức và tốn kém như nuôi một đứa trẻ
Ảnh

sunwin | sunwin

Nuôi búp bê làm con

Thay vì kết hôn hay làm mẹ, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc gia nhập cộng đồng nuôi búp bê làm con vì thấy không phiền phức và tốn kém như nuôi một đứa trẻ

Về quê tránh dịch, nhiều người trẻ chưa muốn trở lại thành phố

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2021-09-28 12:09
Dù thừa nhận ở đô thị có nhiều tiện nghi và cơ hội việc làm, nhiều bạn trẻ quyết định không trở lại đó khi hết dịch. Họ chọn cuộc sống chậm lại và lập nghiệp ở quê hương.

Sau 2 năm làm hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM, anh Trần Văn Bé (sinh năm 1991, Bình Định) bị ảnh hưởng công việc khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Anh trở về quê ở huyện An Lão để trốn dịch.

Ở nhà thời gian dài, anh Bé cảm thấy thích cuộc sống bên người thân và gần gũi với thiên nhiên. Anh rủ 2 người bạn, đều làm việc ở Sài Gòn, bỏ phố về quê để mở trang trại trên mảnh đất 1 ha của gia đình.

“Trước dịch, mình chưa hề tính bỏ phố về quê vì nghĩ tuổi trẻ cần đi và trải nghiệm nhiều nơi. Sau đó, mình nhận thấy ở nhà cũng có thể kiếm tiền, lại được gần gia đình, chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn. Nhưng để làm được điều đó, mình phải đánh đổi khá nhiều”, anh nói với Zing.

Thời gian đầu, bên cạnh mất hẳn thu nhập, anh Bé gặp rào cản khá lớn về tinh thần. Cha mẹ muốn anh trở lại làm hướng dẫn viên du lịch để có thu nhập ổn định, thay vì làm công việc chân tay. Bên cạnh đó, hàng xóm cũng xì xào anh “đi học rồi ở nhà ăn, chơi không”.

Tuy vậy, anh Bé vẫn kiên trì học hỏi từ sách vở, cha mẹ về cách trồng cây, chăn nuôi. Mục tiêu của anh là làm trang trại, mang lại không gian sống tích cực cho người trẻ đến thư giãn.

Ve que tranh dich nhieu nguoi tre khong tro lai thanh pho anh 3
Anh Bé cùng nhóm bạn về quê mở trang trại trên mảnh đất 1 ha của gia đình.

“Trang trại của tụi mình hiện xây dựng được khoảng 40%, chưa cho thu nhập. Mình đang làm các chòi nhỏ với thiết kế sao cho gần gũi với thiên nhiên nhất. Chờ qua lũ lụt, khoảng tháng 10-11, mình sẽ trồng thêm hoa và rau. Hy vọng hết dịch, trang trại có thể đi vào hoạt động. Ngoài ra, nhà ở gần thác K50, thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, mình cũng dẫn khách đi trekking, chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng núi nơi đây”, anh cho hay.

Khi ở thành phố, anh Bé có thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Về quê, tối ngày chỉ quanh quẩn trồng cây, nuôi gà, vịt, heo, nhưng anh cảm thấy tinh thần tốt hơn.

“Không còn ánh đèn vàng của phố thị, nhưng giờ tụi mình có bầu trời đầy sao. Không còn những món ăn Nhật, Hàn hay pizza, nhưng tụi mình có rau sạch từ rừng và tự trồng. Không còn quán bar náo nhiệt, nhưng tụi mình được nghe tiếng chim hót và ngắm mưa buổi chiều. Không còn tiếng ‘ting ting’ nhận lương hàng tháng, nhưng tụi mình có tiền cuối năm nhờ bán bầy heo, đàn gà. Tụi mình chọn cuộc đời nhẹ nhàng, bình yên trong ngôi nhà gỗ giữa hàng cau và dừa thẳng tắp, con suối trong veo”, anh nói.

Ve que tranh dich nhieu nguoi tre khong tro lai thanh pho anh 6
Dù chưa kiếm ra thu nhập ổn định, anh Bé và nhóm bạn không hối hận khi quyết định bỏ phố về quê.

Không riêng anh Bé và nhóm bạn, nhiều người trẻ quyết định không trở lại thành phố sau thời gian về quê tránh dịch. Họ chọn sống chậm lại và lập nghiệp trên quê hương.

Ở đâu cũng có thể phát triển

Anh Đặng Trọng Nhân (sinh năm 1992, Đồng Nai) từng học thiết kế đồ họa, sau đó học thêm tiếng Nhật và đi du học. Về nước, do không xin được việc đúng chuyên ngành, anh làm tại công ty bán ôtô.

Chưa ổn định thì đại dịch bùng phát, anh Nhân về quê với suy nghĩ phát triển ở đây. Thời gian đầu, anh chấp nhận đi phụ hồ, ai thuê gì làm nấy để kiếm thu nhập.

Khoảng 4-5 tháng sau, anh Nhân trở lại TP.HCM chạy xe ôm công nghệ. Nhận thấy công việc vất vả, thu nhập không đáng kể, anh quyết định về hẳn quê.

“Ở quê mình không ai có nhu cầu học tiếng Nhật, mảng thiết kế đồ họa kiểu vẽ anime cũng hoàn toàn xa lạ, cùng lắm mình chỉ có thể đi vẽ quảng cáo, pano. Cuối cùng, mình quyết định học hỏi, lập kênh video về khởi nghiệp, phát triển nhà nông, chủ yếu tư vấn, thiết kế, giới thiệu các trang trại chăn nuôi dê cho bà con”, anh nói với PV.

Ve que tranh dich nhieu nguoi tre khong tro lai thanh pho anh 7
Công việc bị ảnh hưởng vì dịch, anh Nhân quyết định về quê sinh sống, lập nghiệp.

Thời gian đầu bỏ phố về quê, anh Nhân vấp phải sự phản đối của gia đình. Anh kiên trì chạy xe máy từ Lâm Đồng cho đến Cà Mau, quay video giới thiệu các trang trại nuôi dê.

Sau khi xây dựng tên tuổi, được nhiều người biết tới, anh Nhân hiện kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng từ kênh video, đủ để trang trải cuộc sống. Ngoài ra, anh còn có thu nhập từ việc bán dê, cây giống.

Mục tiêu của anh Nhân là làm trang trại để mọi người tới tham quan, trải nghiệm thiên nhiên. Anh thừa nhận đại dịch đã thay đổi suy nghĩ về nơi bản thân muốn sống.

“Thành phố đúng là nhộn nhịp, phát triển hơn nhưng có đủ vấn đề như kẹt xe, nước ngập, hóa chất, ô nhiễm… Mình kiếm được tiền thì cũng phải đánh đổi nhiều. Về quê, mình có thể trồng rau, nuôi cá, làm vườn và mọi điều mình thích. Mình nghĩ trong thời đại 4.0, biết làm ăn thì ở đâu cũng có thể phát triển, nhất là khi còn trẻ, có sức khỏe, ý chí và tiềm năng”, anh nói.

Anh Nhân cho hay khi hết dịch, anh sẽ đẩy mạnh các dự án phát triển ở quê hương, thay vì trở lại với cuộc sống bon chen tại thành phố.


Anh thừa nhận đại dịch đã thay đổi suy nghĩ của anh rằng không nhất thiết phải bám trụ lại thành phố mới có thể kiếm tiền.

Sẽ về quê khi đủ kinh tế

Từ khi TP.HCM bùng phát dịch trở lại, anh Hồ Thanh Phong (sinh năm 1993, Tiền Giang), chuyên viên tư vấn bất động sản ở quận 5, về quê sống với gia đình.

Hàng ngày, bên cạnh làm việc online, anh dành thời gian tập thể dục, chăm sóc sức khỏe bản thân và nấu ăn cho gia đình.

“4 tháng nay, mình không còn bận rộn như khi ở Sài Gòn. Mình gặp một số khó khăn như không thể gặp gỡ khách hàng, hạn chế thu nhập. Bù lại, mình được sống chậm lại, bình dị và tận hưởng hơn. Mình cảm thấy may mắn khi về quê đợt này. Nhiều bạn bè mình bị kẹt lại thành phố, chưa về được nên rất nhớ nhà”, anh nói với PV.

Ve que tranh dich nhieu nguoi tre khong tro lai thanh pho anh 11
Về quê tránh dịch, anh Phong tự tay nấu ăn cho gia đình.

Trước dịch, anh Phong thường về nhà vào cuối tuần để thư giãn, tránh xa cuộc sống ồn ào, tấp nập sau thời gian bận rộn kiếm tiền.

Tuy nhiên, anh thừa nhận cuộc sống ở thành phố lớn rất tiện nghi, hiện đại, nhiều cơ hội việc làm.

Bởi vậy, khi dịch ổn định trở lại, anh sẽ lên TP.HCM tiếp tục công việc.

“Mình đặt mục tiêu khoảng 40 tuổi, khi điều kiện kinh tế ổn hơn, sẽ về hẳn quê để sinh sống. Giờ còn trẻ, mình nghĩ thành thị sẽ phù hợp hơn để tạo ra thu nhập”, anh nói.

Tương tự anh Phong, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1982, TP Thủ Đức) dự định trở lại TP.HCM sau 4 tháng về Lâm Đồng tránh dịch.

“Được sống giữa thiên nhiên, cả nhà tôi thấy cơ thể được thanh lọc, sức khỏe cũng tốt hơn. Tuy nhiên, khi thành phố mở cửa trở lại, gia đình tôi sẽ trở về vì còn nhà cửa, công việc kinh doanh và chuyện học hành của các con. Tôi sẽ suy nghĩ tới việc bỏ phố về quê sinh sống khi có thể thu xếp mọi thứ”, chị Trâm nói.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận