Tin mới
Ảnh
Bản làng tan hoang sau lũ quét
Hàng chục ngôi nhà ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị lũ quét cuốn sập, đường sá ngập đất đá, quốc lộ chia cắt

sunwin | sunwin

Những người "ăn qua bữa, sống qua ngày" giữa đại dịch Covid-19

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2020-04-19 10:04
Chưa có dịch, họ đã là những lao động nghèo. Khi dịch bùng phát, họ càng trắng tay bởi không có một đồng tích lũy, chỉ biết sống lay lắt, trông vào thùng mì tôm cứu trợ.

Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 4, chị Hoàng Ngọc Yến (35 tuổi, Hàng Vôi, Hà Nội) khoác vội chiếc áo mưa rách rồi lao đi trong cơn mưa. Dù được khuyến cáo nên ở trong nhà, chị Yến vẫn xin được đi ship hàng cho một người bạn. Nhận việc mới 2 ngày nên chị không dám chậm trễ.

Vừa đi, chị vừa nhẩm tính khoản tiền kiếm được có thể mua những gì để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Suốt cả tháng nay, 6 người trong nhà chị chỉ trông chờ vào thùng mì tôm, vài cân gạo được phường hỗ trợ, lo ăn từng bữa do hai vợ chồng chị - hai lao động chính trong nhà đã thất nghiệp kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát.

Không có một đồng

Ngôi nhà của chị Yến nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Vôi, được dẫn lên bằng lối cầu thang bộ chỉ vừa một người đi. Anh Đạt (chồng chị Yến) tận dụng khoảng chiếu nghỉ ở cầu thang để dựng lên một “xưởng” sửa chữa đồ điện.

Trước khi dịch bùng phát, anh Đạt thường đi "hầu đồng" để kiếm thêm khoản thu nhập vào mùa lễ hội. Năm nay, các lễ hội đều phải hoãn, anh kết thúc công việc của mình bằng khoản nộp phạt do đi theo đoàn hoạt động tại một lễ hội “chui” hồi cuối tháng 2.

Kể từ đó, đồ nghề của anh gồm các thùng trống và loa đài được xếp gọn vào góc nhà. Không có việc, anh tìm niềm vui bằng cách ngồi sửa những món đồ đã hỏng của gia đình và bạn bè. Với anh, việc này chỉ nhằm giết thời gian chứ không giúp bữa cơm của cả nhà có thêm thịt.

“Nói văn hoa thì mình có thời gian dành cho đam mê của mình. Mình thích việc tìm tòi, sữa chữa đồ đạc. Nhưng đam mê cũng không đẻ ra tiền được”, anh Đạt nói, cười buồn khi nhắc đến 2 chữ “đam mê” ở tuổi 40.

Nhung nguoi 'an qua bua, song qua ngay' giua dai dich Covid-19 hinh anh 1 NAM_3110_zing.JPG
Gia đình chị Yến gồm 6 người sống trong một căn phòng tạm bợ trên phố.

Nhung nguoi 'an qua bua, song qua ngay' giua dai dich Covid-19 hinh anh 4 NAM_3060_zing.JPG
Anh Đạt tận dụng khoảng chiếu nghỉ ở cầu thang để làm xưởng sửa đồ. Ảnh: Hải Nam.

Trên tủ thiết bị, anh Đạt treo bức tranh đứa con trai thứ 2 vẽ tặng. Trong tranh, cậu bé ghi “Tặng bố Đạt làm loa” bên cạnh những chiếc loa, amply. Trong mắt đứa bé, anh Đạt là một thợ sửa loa chuyên nghiệp chứ không phải một người đi hầu đồng.

Tiền là lý do khiến ảnh phải xa rời công việc yêu thích để đến với một nghề không được mấy người lựa chọn. Tiền cũng là thứ khiến anh phải mất ngủ hàng đêm trong suốt 3 tuần nay.

Đi qua cái “xưởng” đó, thêm mấy bậc thang nữa, lách qua một bao tải chất đồ là căn nhà của gia đình chị Yến. Gọi là ngôi nhà có lẽ không đúng lắm, vì nó chỉ rộng bằng một căn phòng 30 m2.

Nhưng đó là nơi mà cả 3 thế hệ đang sống cùng nhau, gồm bố mẹ chồng chị Yến, vợ chồng chị và 2 đứa con trai. Sáu nhân khẩu trong một gia đình, trong đó 4 người không kiếm ra tiền. Kinh tế gia đình phụ thuộc toàn bộ vào 2 vợ chồng anh Đạt.

Hàng ngày, khi anh Đạt đi làm ở đền chùa thì chị Yến kê một quầy nước ra trước ngõ ngồi bán vài cốc trà đá, điếu thuốc hoặc gói kẹo. Những hôm đắt hàng lắm, chị mới dám mua ít thịt về cho cả nhà. Số tiền còn lại được 2 vợ chồng chắt chiu để trang trải học phí cho 2 cậu con trai.

Trước khi có lệnh cách ly xã hội một tuần, hàng nước của chị Yến bị dẹp vì phường yêu cầu hàng rong, hàng nước không được kinh doanh để phòng dịch lây lan. Từ đó, đêm nào chị cũng mất ngủ.

“Chỉ nghĩ đến mỗi bữa ăn cho cả nhà vào hôm sau thôi là lại sốt ruột. 2 vợ chồng không có một đồng tích lũy nào để dự trù cho những trường hợp như thế này”.

Nghèo "bất đắc dĩ"

Cách nhà chị Yến chỉ vài bước chân, bà Lan ngồi chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà trong căn phòng ẩm thấp, một cánh cửa đã bị rời ra. Cả nhà, chỉ gồm bà và đứa con gái đang học lớp 9. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con bằng việc bán nước chè ở đầu ngõ.

Bà gọi ngôi nhà mà mình đang ở là "nhà của Nhà nước", tức là những căn phòng không khép kín được Nhà nước cải tạo trong những năm sau đổi mới để cho người dân thuê lại. Giá thuê rất rẻ, chỉ hơn 1 triệu đồng/năm.

Nhưng, khoản tiền đó với bà Lan vẫn là một gánh nặng. Năm ngoái, vì quá khó khăn, bà định cho con gái nghỉ học. Được hàng xóm động viên, bà cố gắng chắt chiu để con tiếp tục đến trường.

Dịch bệnh bùng phát, đứa con nghỉ học, bà cũng nghỉ việc. Không còn phải đóng học phí cho con nữa nhưng bà cũng không có tiền để lo cho những bữa ăn hàng ngày.

Nhung nguoi 'an qua bua, song qua ngay' giua dai dich Covid-19 hinh anh 7 NAM_2986_zing.JPG
Bà Lan sống trong một căn phòng ẩm mốc, chật chội cùng con gái của mình. Ảnh: Hải Nam.

Phường hỗ trợ 5 kg gạo và 1 thùng mì tôm, bà Lan tính nhẩm số thực phẩm này sẽ ăn được trong vài tuần nếu dè xẻn. Vậy là, bữa ăn hàng ngày của 2 mẹ con gồm lưng bơ gạo, 2 quả trứng và 1 món rau. Đều đặn bữa nào cũng như bữa nào.

"Giờ ăn cho qua bữa, sống cho qua ngày chứ không biết dịch bệnh kéo dài đến khi nào và mình phải nghỉ bán hàng đến bao giờ", bà Lan cười gượng.

Trong xóm trọ nhỏ của bà, hàng chục người lao động khác cũng phải nghỉ việc và chỉ biết trông chờ vào những cân gạo cứu trợ để ăn qua bữa. Bà Lan nói rằng chưa bao giờ bà thấy căn nhà của mình đáng sợ đến thế, khi phải ngồi trong đó cả ngày và nghĩ về một tương lai u ám.

Còn nỗi sợ lớn nhất của chị Yến trong những ngày này là nhìn xuống thì thấy ví tiền rỗng, còn nhìn lên thì thấy 6 miệng ăn. "Chắc chỉ cầm cự được trong 1 tháng, chứ cứ kéo dài thế này thì chết dở", chị chép miệng.

Người phụ nữ nói nếu như dịch bệnh không xảy ra, gia đình của chị không thể xếp vào diện hộ nghèo hay cận nghèo, vì vẫn có thu nhập hàng tháng trên 1,3 triệu đồng.

Nhưng dịch bệnh đã biến chị trở thành một người nghèo "bất đắc dĩ" và phải nhận trợ cấp của phường, bởi số tiền tích lũy trước đây quá nhỏ để chị có thể duy trì cuộc sống không có thu nhập trong một khoảng thời gian dài.

Lo đói

Bên trong những con ngõ nhỏ trên phố cổ Hà Nội những ngày này, nhiều số phận lay lắt vẫn đang ẩn hiện đâu đó đằng sau một quán nước chè bị dẹp hoặc một gánh bánh mì dạo đã ngừng bán.

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên (60 tuổi, Lò Sũ, Hà Nội) là một trong những số phận như thế. Giống như bà Lan hay chị Yến, bà Liên cũng có một tiệm bánh mì nhỏ mở vào mỗi sáng nhưng đã ngừng hoạt động sau lệnh cách ly xã hội.

Hai ông bà chỉ còn lại số tiền nhỏ để duy trì việc sống qua ngày bằng mì gói và những bữa cơm không có thịt. Hai đứa con của bà, một sinh viên năm cuối Đại học Luật Hà Nội chưa thể tốt nghiệp vì dịch trì hoãn lịch học, một sinh viên năm 2 Đại học Nông nghiệp chưa có khả năng kiếm tiền.

Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình bà. Từ ngày cách ly xã hội, ông bà xin phường đi tuyên truyền phòng dịch cho người dân. Việc này giúp gia đình có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng để chi tiêu.

Nó có thể chỉ bằng 1 bữa ăn của một gia đình khá giả nhưng lại là tiền ăn cả tháng của gia đình người phụ nữ này.

"Ra đường những ngày này thì rất sợ, nhưng mình vẫn phải làm việc. Vừa là trách nhiệm, vừa để có phần nào duy trì cuộc sống", bà Liên nói.

Nhung nguoi 'an qua bua, song qua ngay' giua dai dich Covid-19 hinh anh 8 NAM_3017_zing.JPG
Bà Liên lo về những ngày không thể làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình. Ảnh: Hải Nam.

Cùng suy nghĩ đó, chị Yến lao ra ngoài đường làm shipper kiếm vài chục nghìn mỗi ngày, chỉ để có một bữa cơm đủ rau thịt cho cả nhà. Trong khi đó, bố chồng chị vẫn phải đến Bệnh viện Thanh Nhàn khám và lấy thuốc mỗi tuần theo bảo hiểm y tế để không phải mất tiền mua thuốc ngoài.

"Mình mà có tiền thì không bao giờ để ông đến bệnh viện lấy thuốc miễn phí trong lúc dịch bệnh thế này, cũng không việc gì phải ra đường kiếm tiền khi cả xã hội đang ở trong nhà như vậy", chị Yến ngậm ngùi chia sẻ.

Dịch bệnh không chỉ làm ảnh hưởng đến các tập đoàn, doanh nghiệp, những công ty, tổ chức có hàng vạn nhân công, mà nó còn tác động đến cuộc sống bên trong những căn nhà sập xệ của lao động nghèo.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, các nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch lần này là người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là vấn đề ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.

Mặc dù tỷ lệ việc làm phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như trợ cấp thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hoặc không muốn tự cách ly khi cần. Như vậy, những lao động này tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cao.

Ngày hôm nay, chị Yến có thể vẫn phải lao đi giữa cơn mưa chỉ để kiếm 20.000 đồng tiền ship, bà Liên vẫn tiếp tục công việc đến từng hộ để tuyên truyền cho người dân.

Còn bà Lan đã quyết định rằng đứa con gái của bà sẽ không tham dự kỳ thi vào THPT trong mùa hè năm nay. Con bé thậm chí còn không thể học online vì không có thiết bị để duy trì việc học. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tương lai của 2 mẹ con không biết sẽ đi về đâu nếu như chỉ ngồi ở nhà và trông chờ vào những cân gạo cứu trợ.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận