Tin mới
5
Đàn ông Trung Quốc tìm cơ hội ở rể
Li Jiyan nuối tiếc từ chối hai chàng trai đôi mươi bởi hồ sơ họ không đủ yếu tố để tìm được nhà vợ có khối tài sản khoảng 4,4 triệu USD
Ảnh

sunwin | sunwin

Má Dung 6 năm đón người sinh viên tới ăn, ở miễn phí tại TP.HCM

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2020-12-09 09:12
Suốt nhiều năm nay, bà Dung giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người hiện đã ra trường, có công việc ổn định và vẫn giữ liên lạc với bà.

Bà Dương Thị Kim Dung (66 tuổi), chủ quán cơm gia đình nằm trên đường Nguyễn Sơn Hà (quận 3, TP.HCM), được người xung quanh yêu mến khi nhiều năm cho các bạn sinh viên khó khăn ăn ở miễn phí tại nhà mình.

Trong cuộc trò chuyện với Zing, bà Dung tâm sự có những người bà nuôi ăn học suốt 6 năm, đến nay đã ra trường, có công việc ổn định và vẫn thường xuyên liên lạc hỏi han lẫn nhau. Những sinh viên ở cùng thường gọi bà thân thương là "má Dung".

Ngoài 2 tầng dưới là không gian quán, các tầng phía trên được bà Dung bố trí thành nơi ở cho sinh viên. Hiện tại, bà nhận nuôi 4 sinh viên, trong đó có 2 sinh viên người Lào theo chương trình “Sinh viên Lào với gia đình Việt”.


Bà Dung đã giúp đỡ nhiều sinh viên, coi các em như con cái trong nhà.

Suốt 20 năm nay, bà gắn bó với công việc thiện nguyện, kể từ lần được bạn giới thiệu vào CLB từ thiện của thành phố.

“Tôi nghĩ mình phải có chút gì riêng để chia sẻ yêu thương chứ không chỉ đóng góp tiền. Ban đầu cũng khá hoang mang khi nhận người lạ vào ở nhà mình. Nhưng nếu ai cũng nghĩ như vậy sẽ không có ai được giúp đỡ. Tôi quyết định mình cứ làm, tới đâu hay tới đó", bà nói về lý do nhận nuôi các sinh viên.

Cuộc gọi từ số lạ

Bà Dung nhớ lại kỷ niệm cách đây nhiều năm, trong một lần đi phát quà từ thiện, gặp hai vợ chồng đã lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Niềm hy vọng lớn nhất đặt hết vào cậu con trai duy nhất là Phong (sinh năm 2001).

Bà động viên họ cố gắng nuôi cho con học hành tới nơi tới chốn, để sau này nó không rơi vào cảnh như ba mẹ. Bà ngỏ ý nếu tương lai Phong có đậu đại học, bà sẵn sàng nhận nuôi cháu ăn học.

"Bẵng đi mấy năm, đến năm 2018, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ. Đầu dây bên kia báo là: 'Cô Dung ơi, thằng Phong nó đậu đại học rồi'. Tôi bất chợt ngờ ngợ, không biết là ai vì từng gặp quá nhiều người. Đến khi ba mẹ cháu gợi lại, tôi mới nhớ ra vào kêu cô chú ấy đưa thằng bé lên nhà, tôi nuôi".


Phong được bà Dung nhận giúp đỡ sau lần quen biết khi trao quà từ thiện.

Đưa con lên buổi sáng, đến chiều tối ba mẹ Phong phải chia tay con để về quê.

"Cả nhà 3 người bật khóc, cha mẹ cháu thương và lo vì lần đầu để con ở nơi đất khách. Họ nói tôi đã thương thì thương cho trót, để ba của Phong ở lại phụ việc ở quán, rồi chăm lo cho cháu. Tôi đồng ý".

Hiện tại, Phong và ba ở cùng một phòng. Ba của em giúp công việc trong bếp. Lúc không bận học, Phong cũng giúp sắp bàn ghế, phục vụ khách.

"Em ở đây có điều kiện rất tốt. Cô Dung đã giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Em không phải lo công chuyện, chỉ tập trung học hành. Thường ngày, ngoài học và tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, em chủ yếu ở đây, phụ giúp công việc. Em muốn cố gắng học hành để thoát nghèo, không phụ lại sự giúp đỡ của cô", Phong kể vớiZing.

Những đứa con trong gia đình

Khi đồng ý giúp đỡ các bạn sinh viên, bà Dung cũng quan tâm đến cả sinh hoạt, dạy bảo để các bạn không sa đà vào việc chơi bời.

"May mắn là mấy đứa tôi nuôi đều ngoan ngoãn. Mình chỉ cần lo cho chỗ ăn ở thôi, không cần lo vì mấy đứa đều chăm học, giành học bổng rồi tiền thưởng, các cháu cũng được nhà trường hỗ trợ học phí vì hoàn cảnh gia đình khó khăn".

Thời gian rảnh, các bạn sinh viên thường phụ giúp công việc ở quán. Quán chỉ bán cơm trưa, mỗi buổi làm việc 2-3 tiếng, các bạn được trả 150.000 đồng.

"Tôi chỉ để các cháu được làm việc, tự kiếm đồng tiền. Mình lo cho ăn ở rồi, nhưng ngoài những thứ thiết yếu như vậy, chúng làm thêm thì có tiền tiêu vặt, mua đồ mình thích hay đi chơi cùng bạn bè. Nhưng việc quan trọng cần ưu tiên nhất phải là học hành".


Bà Dung tạo điều kiện cho các bạn sinh viên làm thêm tại quán...


... để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Bà Dung có 3 người con ruột, đều đã ổn định công việc và lập gia đình riêng. Để sinh viên ở nhà mình, bà cảm thấy ấm cúng, vui vẻ hơn và coi họ như những đứa con trong gia đình.

Chia sẻ câu chuyện của mình, bà nói "không phải để khoe khoang vì còn nhiều người làm tốt hơn mình, chỉ mong lan tỏa thông điệp tích cực để nhiều mảnh đời được giúp đỡ hơn nữa".

"Tôi biết còn nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ, nhưng mình làm được đến đâu thì cố gắng đến đó. Có những người cần nhưng mình không hỗ trợ được cũng đành chịu, coi như chưa đủ duyên với nhau. Cứ lớp sinh viên này ra trường, tôi sẽ lại đón những cháu khác đến ở".

Hạnh phúc khi các con trưởng thành

Năm 2014, trong lần cùng đoàn từ thiện của quận 3 đi xuống xã Phạm Văn Cội ở Củ Chi để trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, bà Dung ấn tượng với Tuyết Anh - cô bé có vóc người nhỏ nhắn nhưng tinh thần vươn lên mạnh mẽ.

"Con bé nhỏ xíu, tôi tưởng cháu mới học lớp 6 nhưng hỏi ra mới biết Tuyết Anh đã tốt nghiệp lớp 12, vừa thi đậu vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Lãnh đạo xã cũng khen cháu nức nở, nói Tuyết Anh đã làm rạng danh xã nghèo, ngỏ ý mong chúng tôi giúp đỡ cháu", bà Dung kể.

Gia đình Tuyết Anh khó khăn, mưu sinh bằng nghề vắt sữa bò thuê, việc nuôi con ăn học ở thành phố nằm ngoài khả năng của cha mẹ em.

"Trong xã còn có một hoàn cảnh khác là cháu Loan, cũng đậu ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thương các cháu, tôi đưa cả hai đứa lên ở nhà mình, cho ở cùng một phòng, nuôi ăn ở miễn phí suốt 6 năm học".

Hiện tại, Loan đã ra trường và làm điều dưỡng viên tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tuyết Anh đang học năm cuối. Để tiện công tác, hai người xin phép "má Dung" chuyển xuống Bình Chánh và thuê trọ ở đó.

"Một câu nói của Tuyết Anh khiến tôi thấy thương vô cùng và nhớ mãi, nó bảo: 'Con cũng muốn học theo cô, muốn chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền'. Câu nói ấy khiến tôi hạnh phúc vì sự giúp đỡ của mình đã được đón nhận và giờ đây đang 'nảy mầm', lan tỏa rộng hơn".

Hiện tại, bà Dung đã giao lại việc kinh doanh quán cơm cho các con để tập trung hơn vào việc từ thiện. Bà chia sẻ mong muốn lớn nhất là khỏe mạnh để được giúp đỡ nhiều người hơn.

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...


Viết bình luận