Tin mới
1
Nuôi búp bê làm con
Thay vì kết hôn hay làm mẹ, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc gia nhập cộng đồng nuôi búp bê làm con vì thấy không phiền phức và tốn kém như nuôi một đứa trẻ
Ảnh

sunwin | sunwin

Nuôi búp bê làm con

Thay vì kết hôn hay làm mẹ, nhiều phụ nữ ở Trung Quốc gia nhập cộng đồng nuôi búp bê làm con vì thấy không phiền phức và tốn kém như nuôi một đứa trẻ

Bạo lực học đường ở Nhật và những cái chết khi chưa tròn đôi mươi

Đăng bởi Tôi Là Sao | 2017-10-15 08:10

Bị bắt nạt cả về thể chất và tinh thần, 400-500 thanh thiếu niên Nhật Bản tìm cái chết để giải thoát mỗi năm. Đây là bóng đen phủ lên văn hóa học đường xứ phù tang nhiều thập kỷ.

Cây dương cầm phủ bụi, nằm im lìm ở góc căn phòng tatami trong nhà Naoko Nakashima tại thành phố Toride (tỉnh Ibaraki, Nhật Bản) gần hai năm nay. Đây là món quà bà tặng Naoko khi cô 5 tuổi. Cô gái từng luyện tập chăm chỉ mỗi ngày với ước mơ trở thành nghệ sĩ piano.

Tất cả tan thành mây khói khi Naoko Nakashima tự sát ngay trước ngày nhập học tại trường âm nhạc. Tháng 11/2015, cô mới 15 tuổi.

Sau sự ra đi đột ngột của Naoko, cha mẹ cô - Junko và Takanobu - tìm thấy nhiều bằng chứng khiến họ tin rằng đứa con duy nhất của mình từng bị bắt nạt ở trường học.

Hai người thấy trong túi áo đồng phục của con gái mẩu giấy có chữ "kusaya" (cá thối). Trong nhật ký, Naoko viết: "Tôi không muốn bị bắt nạt", "Tôi không muốn ở một mình".

Cuốn sổ lưu niệm tốt nghiệp trung học cơ sở của Naoko cũng lưu lại nhận xét của bạn học như "Tôi không thích cậu", "Cậu thật phiền phức" hay "Cậu là đồ dơ dáy".

Bao luc hoc duong o Nhat va nhung cai chet khi chua tron doi muoi hinh anh 1
Ông bà Nakashima ôm di ảnh con gái tự tử do bị bắt nạt ở trường vào tháng 11/2015, phát biểu trong sự kiện chống bắt nạt ở Tokyo.
Tuy nhiên, tháng 3/2016, Hội đồng Giáo dục thành phố Toride tuyên bố cái chết của Naoko Nakashima không liên quan đến việc bị bắt nạt ở trường.

Hơn một năm sau, tức tháng 5 vừa qua, cơ quan này mới đảo ngược phán quyết, công nhận bắt nạt học đường là nguyên nhân khiến Naoko tự vẫn.

"Thật kỳ quặc. Hội đồng Giáo dục đã cố phủ nhận sự thật rằng bắt nạt học đường có liên quan cái chết của con tôi hay giáo viên không có hành động kịp thời. Trong khi ấy, những sinh mạng quý giá đang bị cướp đi", ông Takanobu Nakashima nói.

Những con số chết chóc

Từ năm 2012, 10/9 được chọn là "Ngày thế giới chống tự sát". Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 800.000 người trên toàn thế giới tự tử, tương đương cứ 40 giây có một người chết.

Nhật Bản có tỷ lệ tự sát cao nhất trong nhóm G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Anh, Mỹ, Nhật). Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ này là 15,4% trên 100.000 người. Mỹ xếp thứ hai ở mức 12,6% trên 100.000 người.

Số trường hợp tự tử ở xứ phù tang đạt đỉnh điểm là 34.427 người trong năm 2003, rồi giảm xuống 21.897 người vào năm 2016. Tuy nhiên, số lượng thanh thiếu niên dưới 20 tuổi tự sát không hề giảm trong nhiều thập kỷ qua, với khoảng 400-500 người mỗi năm.

Koju Matsubayashi - người đứng đầu bộ phận chính sách hướng dẫn học sinh của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn người trẻ tự tử.

"Thanh thiếu niên tự tìm cái chết bởi 'mắc kẹt' trong hàng loạt vấn đề tiêu cực liên quan đến gia đình, trường học. Việc trường học phát hiện những điều gây rắc rối cho học sinh rất quan trọng", ông nói.

Trong tháng 7, chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch nhằm giảm tỷ lệ tự sát xuống 30% vào năm 2026, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp ngăn thanh thiếu niên tự tử và đẩy mạnh giáo dục nhóm đối tượng này tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, người lớn khi gặp chuyện không hay.

Chính phủ muốn toàn bộ 27.500 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc có cố vấn viên vào năm 2019, đồng thời tăng gấp đôi số lượng 5.000 nhân viên xã hội trong trường hiện tại.

Ngoài ra, nhà chức trách muốn mở tổng đài tư vấn qua hai kênh trực tuyến và điện thoại 24/24 cho thanh thiếu niên phản ánh về vấn đề của mình.

Bao luc hoc duong o Nhat va nhung cai chet khi chua tron doi muoi hinh anh 2
Tỷ lệ người dưới 20 tuổi tự sát không giảm trong nhiều thập kỷ qua ở Nhật Bản, với khoảng 400-500 người mỗi năm.
Dữ liệu từ Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy 320 học sinh ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tự sát trong năm 2016.

Trong đó, cái chết của 116 em liên quan trường học (gồm 34 trường hợp tự tử vì điểm kém và 6 do bị bạn học bắt nạt), 75 em xuất phát từ vấn đề gia đình và 25 em do quan hệ cá nhân.

Yoshitomo Takahashi - GS Tâm thần học tại Đại học Tsukuba - cho biết các biện pháp đang được áp dụng để ngăn thanh thiếu niên tự tử là chưa đầy đủ và tập trung quá nhiều vào vấn nạn bắt nạt học đường.

Ông cho rằng các phương tiện truyền thông phần nào khiến mọi người nghĩ thanh thiếu niên tự tử chủ yếu do bị bắt nạt ở trường. Tuy nhiên, nguyên nhân chúng hành động dại dột có thể do sức khỏe tâm thần, tài chính, bị lạm dụng và gia đình bỏ rơi.

Tổ chức Y tế thế giới đưa ra bản chỉ dẫn các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ tự sát, khuyến cáo các ấn phẩm không nên mô tả chi tiết cách con người tìm đến cái chết.

Bộ phim 13 Reasons Why của công ty truyền thông Netflix (Mỹ) kể về cô bé tuổi teen Hannah Baker tự chấm dứt cuộc sống vì bị bắt nạt ở trường gây tranh cãi hồi đầu năm nay.

Nhiều người cho rằng việc mô tả chân thực cái chết của cô bé như thể "tôn vinh" tự sát. Một số trường hợp tự tử Mỹ và Peru được cho là do bộ phim xúi giục.

Từ đó, GS Yoshitomo Takahashi lo ngại giới trẻ Nhật sẽ nghĩ dại dột khi liên hệ bản thân vào những bản tin, bài báo đưa về các vụ tự tử do bị bắt nạt ở trường học.

Bóng đen phủ lên văn hóa học đường Nhật

Vào năm 2015, một báo cáo về phòng chống tự tử cho thấy số người tự sát ở độ tuổi dưới 19 tăng cao vào gần ngày 1/9 hàng năm kể từ năm 1972. Đó là ngày kết thúc kỳ nghỉ hè. Báo cáo này nhanh chóng khiến các phương tiện truyền thông trong nước bắt đầu cảnh báo mọi người dè chừng ngày tự sát 1/9.

Tin tức liên quan vấn đề này được ưu tiên phát trong khoảng một tuần trước ngày 1/9. Người nổi tiếng như nữ MC đa tài Shoko Nakagawa cầu xin thanh thiếu niên không tự đoạt mạng sống của mình thông qua Twitter vào ngày 31/8.

Theo Mainichi Shimbun, 3 trường hợp nghi ngờ thanh thiếu niên có ý định tự tử được phát hiện từ ngày 30/8 đến 1/9 vừa qua. Bắt nạt học đường chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến thanh thiếu niên Nhật Bản tự sát, nhưng ảnh hưởng của nó rất nghiêm trọng.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, 224.540 trường hợp học sinh bị bắt nạt được báo cáo trong năm 2015. Tuy nhiên, gần 40% trường học trên toàn quốc phủ nhận có trường hợp bắt nạt xảy ra ở cơ sở của mình. Các chuyên gia giáo dục và quan chức chính phủ thừa nhận không thể chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này.


Cô gái kể lại những lần bị bạn học đánh Nanae Munemasa (17 tuổi) là nạn nhân của bắt nạt học đường từ năm lớp 2. Thiếu nữ từng nghĩ tới cái chết để giải thoát nhưng kịp thời tỉnh ngộ.

Chính phủ Nhật Bản thông qua luật chống bắt nạt học đường vào năm 2013 sau vụ tự tử của nam sinh 13 tuổi (ở thành phố Otsu, quận Shiga) năm 2011 do bị bạn bè bạo hành.

Luật yêu cầu các trường học và chính quyền địa phương báo cáo những trường hợp bắt nạt dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, kể cả tự sát.

Ông Naoki Ogi - GS của ĐH Hosei, có 44 năm hoạt động trong ngành giáo dục - tức giận trước thực trạng nhiều trường học và hội đồng giáo dục che giấu các vụ bắt nạt học đường, bao gồm cái chết của nữ sinh Naoko Nakashima.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Japan Timesgần đây, ông tiết lộ ít nhất 33 học sinh tự tử sau khi luật được ban hành.

"Những đứa trẻ này chết vì chịu quá nhiều đau đớn. Chúng để lại lời tuyệt mệnh trong phần ghi chú hay tin nhắn smartphone. Nhiều học sinh vẫn đang bị bắt nạt", ông Ogi nói.

Tháng trước, nam giáo sư hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Gentle Heart Project trong sự kiện chống bắt nạt, gửi thông điệp đến các thanh thiếu niên nghĩ tới chuyện tự sát biết quý trọng sinh mạng của mình.

"Khi quyết tìm cái chết, các nạn nhân hoàn toàn bị tổn thương, kiệt sức, mất ý thức. Nếu chúng ta không hành động nhanh, ngày càng nhiều thanh thiếu niên trở thành nạn nhân", GS Ogi cảnh báo.

Vợ chồng ông bà Shinichiro và Midori Komori thành lập Gentle Heart Project từ năm 2002, sau khi con gái duy nhất của họ - Kasumi - tự sát do bị bắt nạt ở trường.

Tên tổ chức bắt nguồn từ lời trăng trối của con gái họ, khi ấy 15 tuổi, rằng: "Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là có trái tim dịu dàng".

Bao luc hoc duong o Nhat va nhung cai chet khi chua tron doi muoi hinh anh 3
Ông bà Shinichiro và Midori Komori mất con gái duy nhất Kasumi do vấn nạn bắt nạt ở trường học cách đây gần 20 năm. Khi ấy, Kasumi mới 15 tuổi.
Bà Midori Komori chia sẻ: "Tôi thấy mọi người không thực sự hiểu bắt nạt học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào. Bắt nạt là hình thức lạm dụng về thể chất hoặc tinh thần mà thanh thiếu niên gây ra cho người khác".

Kasumi tự tử vào năm 1998, chỉ sau 3,5 tháng trở thành học sinh trung học. Trước đó, cô tâm sự với cha mẹ mình có mâu thuẫn với một số bạn học. Bà Midori đã tới trường con gái 12 lần để phản ánh vấn đề này. Nhìn con đau khổ, bà thậm chí nghĩ đến chuyện đưa cô tới gặp bác sĩ tâm lý.

Tuy nhiên, sau khi Kasumi chết, nhà trường khẳng định không có hành động bắt nạt nào diễn ra trong khuôn viên của họ. Ông bà Komori gửi thư cho bạn cùng lớp của Kasumi và phụ huynh, yêu cầu họ giúp đỡ tìm ra sự thật đằng sau cái chết của con gái.

Chỉ vài người hồi âm xin thứ lỗi vì không thể giúp được ông bà. Một số phụ huynh gửi lại bức thư chưa mở, thậm chí có bậc cha mẹ còn yêu cầu hai người để họ yên.

49 ngày sau cái chết của Kasumi, ông bà Komori chuẩn bị nhiều món ăn và mời bạn bè cùng lớp con gái tới nhà, nhưng không ai xuất hiện. Gia đình Komori cuối cùng trở nên cô lập.

Ông Shinichiro Komori nói rằng cha mẹ mất con do bắt nạt học đường không nhận được sự giúp đỡ nào, bởi cáo buộc của họ đa số không bị coi là tội phạm.

"Chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ sự thật. Nhưng nhà trường không muốn điều đó, bởi nó sẽ chứng tỏ họ không làm gì để ngăn cản cái chết của con gái tôi. Việc giữ thể diện chẳng đáng giá bằng sinh mạng đã mất", ông nói.  

Nỗi đau người ở lại

Mọi người đau đớn khi đối diện với sự thật mất đi người thân. Nhưng GS Yoshitomo Takahashi khuyến khích thân nhân của các thanh thiếu niên tự tử tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

"Gia đình, bạn bè của nạn nhân tự tử không chỉ cảm thấy buồn bã, mà còn day dứt về nguyên nhân khiến người quá cố làm điều dại dột. Đó là lý do phải chăm sóc những người ở lại", ông nói.

Nỗi day dứt cùng đau đớn về sự ra đi của con gái ông bà Junko và Takanobu Nakashima đã kết thúc. Giống như gia đình Komori, họ quyết định nói chuyện với bạn học cũ của con gái và thu thập thông tin để làm sáng tỏ cái chết của cô.

Bao luc hoc duong o Nhat va nhung cai chet khi chua tron doi muoi hinh anh 4
Ông bà Nakashima cạnh cây đàn piano con gái Naoko thường chơi lúc còn sống. Hơn hai năm qua, họ quyết buộc nhà trường, Hội đồng Giáo dục thành phố Toride thừa nhận con mình tự tử do bắt nạt học đường.
Tháng 3/2016, 4 tháng sau cái chết của Naoko Nakashima, Hội đồng Giáo dục thành phố Toride tuyên bố cô tự tử không phải do bị bắt nạt. Tuy nhiên, một ủy ban độc lập được thành lập để điều tra vụ việc.

Vào thời điểm đó, ông bà Nakashima mất niềm tin vào Hội đồng Giáo dục thành phố Toride và ủy ban. Ngày 29/5, họ yêu cầu ủy ban giải tán.

Hôm sau, Hội đồng Giáo dục Toride đưa ra kết luận (ngược lại tuyên bố ban đầu) rằng cái chết của Naoko liên quan đến bắt nạt học đường.

Ủy ban độc lập bị giải thể vào tháng 6. Tháng trước, ông Masaru Hashimoto - Thống đốc tỉnh Ibaraki - gặp gia đình Nakashima và hứa sẽ mở cuộc điều tra về cái chết của Naoko. Các quan chức chính phủ và chuyên gia đều nhận định điều này chưa từng có tiền lệ.

Bà Junko Nakashima xúc động: "Quá nhiều thời gian trôi đi và chúng tôi không thể quay ngược lại kim đồng hồ. Đã đến lúc mọi người phải thú nhận sự thật. Xin đừng làm tổn thương con gái chúng tôi nữa".

Theo zing.vn

Xem tiếp :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục xin gửi về:
bientap@2isao.com

loading...